So với dự thảo được trình ở đầu kỳ họp thứ 5, Luật QHĐT có nhiều điểm thay đổi. Điều 16 của dự thảo luật quy định, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng có chức năng tư vấn, tham mưu được thành lập theo quy định của Chính phủ phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển của từng địa phương trong từng thời kỳ.
So với dự thảo được trình ở đầu kỳ họp thứ 5, Luật QHĐT có nhiều điểm thay đổi. Điều 16 của dự thảo luật quy định, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng có chức năng tư vấn, tham mưu được thành lập theo quy định của Chính phủ phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển của từng địa phương trong từng thời kỳ. Thế nhưng, QH đã bác nội dung này. Điều này đồng nghĩa với việc không lập Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trong quá trình trình dự luật, Chính phủ muốn giao quyền lập QHĐT của hai đô thị đặc biệt là TP Hà Nội và TP.HCM cho Bộ Xây dựng. Đề nghị này cũng không được QH tán đồng. Cụ thể, Điều 19 quy định: "UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch chung đô thị mới, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật thành phố trực thuộc trung ương”. Theo luật, Bộ Xây dựng chỉ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Người dân được tham gia làm quy hoạch
Một trong những điểm được nhiều người quan tâm là luật quy định phải công khai việc lấy ý kiến của người dân khi lập quy hoạch: "Cơ quan tổ chức lập QHĐT, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án QHĐT”. Luật cũng ghi rõ: "Việc lấy ý kiến được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn”. Thực tế đã có tình trạng một số cán bộ có trách nhiệm trong lĩnh vực lập quy hoạch ém nhẹm thông tin quy hoạch để trục lợi cá nhân. Để khắc phục tình trạng này, luật yêu cầu phải công khai thông tin: "Việc cung cấp thông tin về QHĐT được thực hiện dưới các hình thức giải thích trực tiếp, qua phương tiện thông tin đại chúng và cấp chứng chỉ quy hoạch”.
Ngoài ra, Điều 16 của luật còn ghi rõ: "Cấm từ chối cung cấp thông tin, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cấm cung cấp sai thông tin về QHĐT”...
Chưa có chế tài về quy hoạch treo
Các khu đô thị mới được lập quy hoạch sau ngày Luật QHĐT có hiệu lực (1.1.2010) sẽ chấm dứt tình trạng dây cáp điện bùng nhùng trên không trung, khi Điều 64 của luật quy định: "Khi tiến hành đầu tư xây dựng đường phố mới, cải tạo, mở rộng các đường phố cũ trong khu đô thị phải đồng thời thực hiện việc xây dựng hào, tuy-nen kỹ thuật để lắp đặt các công trình đường dây, đường ống ngầm”.
Một điểm đáng lưu ý khác, trong quá trình thảo luận về dự luật, một số đại biểu đề nghị phải có những quy định để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, luật chưa có chế tài về hiện tượng này, ngoại trừ việc quy định: "Sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt và công bố, nếu Nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi đất thì các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch được phép tiếp tục khai thác sử dụng, cải tạo, sửa chữa và xây dựng tạm theo quy định của pháp luật về xây dựng”.