Nhiều ưu điểm vượt trội
Nhà lắp ghép được hình thành từ những bộ phận đã được chế tạo sẵn có thể ghép lại với nhau theo thiết kế. Trong đó, các bộ phận đúc sẵn được vận chuyển từ nhà máy đến địa điểm xây dựng, sau đó sẽ được ghép lại cố định trên móng nhà có sẵn. Không giống nhà lưu động, nhà lắp ghép phải tuân thủ các quy định và sự tính toán chính xác vị trí đặt ngôi nhà.
Theo kiến trúc sư Phạm Đức Thịnh, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng công nghệ phát triển Việt Hưng (Hà Nội): “Nhà lắp ghép được tạo ra với mục tiêu tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về an toàn và khả năng cách nhiệt. Người sử dụng có thể tự điều chỉnh các yếu tố kĩ thuật để tiêu thụ năng lượng thấp nhất, cũng như để đảm bảo sự bền vững của ngôi nhà”.
|
Một văn phòng làm việc tại Nghệ An. Nguồn ảnh: https://9houz.vn |
Ngoài ra, việc thi công nhà lắp ghép rất nhanh và chính xác do đã thiết kế sẵn và chỉ lắp dựng tại nơi thi công. Nhà lắp ghép sau quá trình sử dụng có thể tháo ra và có thể lắp đặt tại ví trí khác một cách nhanh chóng, dễ dàng. Mô hình này không chỉ phổ biến với nhà ở mà còn được sử dụng nhiều ở công trình, các khu biệt thự, resort mang phong cách riêng, nhà kho, siêu thị, nhà hàng, quán karaoke… Sự linh hoạt trong ứng dụng cũng là lý do khiến xu hướng xây nhà lắp ghép tại Việt Nam đang trở thành phổ biến trong những năm gần đây.
Ứng dụng trong thực tế
Lấy cảm hứng từ tổ tò vò cùng phương pháp xây dựng sáng tạo, ngôi nhà lắp ghép ở xã Hoàng Hanh, TP. Hưng Yên được làm chủ yếu từ thép, gỗ và gạch mát, nhưng nhờ cách xử lý tinh tế mà gần như không nhận thấy sự hiện diện của các khung thép. Để dựng lên ngôi nhà, kiến trúc sư Phạm Đức Thịnh cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng các kết cấu khung thép định hình kết hợp gạch mát kích cỡ 1,2x2,4m ở bên ngoài để chống nóng và gia cố bằng lưới cường lực. Ở bên trong, chúng tôi ốp gỗ công nghiệp chịu ẩm thân thiện với môi trường. Nhờ vậy, ngôi nhà vừa có khả năng chống nóng, vừa chống ẩm, đối phó được với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm ở miền Bắc nước ta”.
Theo chị Hoàng Thị Minh Thịnh, chủ ngôi nhà lắp ghép tại TP Hưng Yên, ngôi nhà tiêu thụ ít điện năng và đặc biệt có thể di dời đến nơi khác mà không cần phải đập phá. Bên cạnh đó, do sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà kết hợp với gạch mát chống nóng nên ban đêm mùa hè, nhà mát mẻ, không cần sử dụng điều hòa nhiệt độ. Tiền điện của nhà chị Thịnh chỉ vào khoảng 500.000 đồng/tháng trong mùa Hè, gần 300.000 đồng/tháng vào mùa Đông.
Chị Thịnh cũng cho biết, bên cạnh những ưu điểm, nhà lắp ghép cũng có những nhược điểm. Đó là không gian xây dựng cần rộng rãi để bố trí máy móc, thiết bị cho phù hợp, thuận tiện cho việc thao tác và di chuyển, chở vật liệu. Do đó, những ngôi nhà ở phố không có đủ không gian thi công nên khó có thể áp dụng mô hình này. Ngoài ra, nhà lắp ghép có tuổi thọ thấp hơn nhà bê tông cốt thép bình thường.
Tuy còn một số nhược điểm, nhưng nhà lắp ghép vẫn là được coi là sự lựa chọn kinh tế trong xây dựng nhà ở hiện nay. Tại các khu vực có thời tiết ôn hòa, ít nắng nóng, việc làm nhà lắp ghép sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Trong suốt quá trình sử dụng, chủ nhà cần bảo dưỡng định kỳ và tính toán phương án thoát hiểm, trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy, góp phần làm tăng độ an toàn cho công trình.